CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 10,2-16
Noel Quesson - Chú Giải

Đàn ông và đàn bà! Tại sao trai và Gái! Tại sao? Tính dục? Tại sao? Ai tình, khoái lạc, âu yếm, hôn nhân. Tại sao?
Tại sao cả thế giới sống động: thực vật, thú vật hay con người, đều được tạo ra theo "mẫu" này? Tại sao sinh vật phải gồm có hai “giống”, chia ra làm hai phần “đực và cái” khác nhau, nhưng được tạo ra “cho nhau". Tư tưởng con người không ngớt giao động về vấn đề này giữa phái Janséniste, và những người mệnh danh là lạc quan phóng khoáng, loại người đòi được tự do tình dục và ca tụng lạc thú như mục đích của con người.
Luân lý Kitô giáo trong những thế kỷ vừa qua, đã quá thổi phồng mặc cảm tội lỗi quanh vấn đề "Thanh sạch " và “không Thanh sạch”.
Tâm trạng con người hiện nay có khuynh hướng từ bỏ mọi khuôn mẫu và ca ngợi sự phóng khoáng: “Hãy làm điều bạn muốn làm, hãy làm những gì vừa ý bạn".
Đức Giêsu nghĩ gì về vấn đề này?
Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: "Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?".
Đó là câu hỏi đầy ác ý. Họ đặt ra để bắt bí Đức Giêsu, một câu hỏi nhằm gài bẫy. Dù Chúa có trả lời như thế nào đi nữa, thì Người cũng phải lãnh chịu một phần công luận, vì đây là vấn đề nóng bỏng và chạm đến những gì thâm sâu nhất của con người. Không ai có thể trung lập trước câu hỏi, vì phải chấp nhận tình trạng này hay tình trạng kia một cách cụ thể. Những vết thương lòng rất khó lành. Câu hỏi do người Pharisêu nêu lên là đáng ngạc nhiên, vì giải đáp đã do luật đưa ra rồi. "Một người nào lấy vợ và đã cưới hỏi rồi, nếu xảy ra là vợ không được vừa mắt chồng nữa, vì chồng gặp thấy nơi nó có điều gì thô bỉ, vậy chồng đã viết cho nó lá thư, mà trao tay nó và đã thải hồi khỏi nhà mình" (Đnl 24).
Câu trả lời của luật pháp thật là rõ ràng: Sự ly dị là hoàn toàn hợp luật, vào thời Đức Giêsu, cũng như thời nay. Chúng ta cũng ngạc nhiên về sự giống nhau giữa những tình huống của các Kitô hữu đầu tiên và tình huống ngày nay mà chúng ta biết: Trong hầu hết các nước trên thế giới đều có luật chấp nhận ly dị và tái giá.
Người đáp: "Thế ông Môsê đã răn dạy các ông điều gì? Họ trả lời ông Môsê đã cho phép viết chứng thư ly dị mà rẫy vợ”.
Trả lời như thế thật là đẹp đẽ để giúp ta giữ thái độ khiêm nhường trước- những câu hỏi khó khăn. Những kiểu chú giải Kinh thánh "mang tính truyền thống" (nghĩa là chủ trương phải hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen từng chữ một) thực sự chỉ đạt đến những điều ngây ngô và trẻ con. Hiển nhiên là mạc khải luôn tiệm tiến, và luân lý, giáo huấn cũng tiến bộ theo thời đại. Môsê, phần lớn chỉ lấy lại "luật theo tục lệ" của thời ông, mà thời đó chế độ đa thê và ly dị đã nằm trong truyền thống có cơ sở vững chắc. Vì không thể làm hơn được, ông đã cố sửa chữa những sở thích tùy tiện, bằng cách "hợp thức hóa", "quy định" và thiết lập một; “thủ tục". Ong muốn giới hạn sự ác bằng cách buộc phải theo thủ tục rõ ràng. Nhưng cũng như mọi luật lệ, luật này có thể được áp dụng rộng rãi hay là ngược lại: Có hai cách giải thích đối nghịch nhau vào thời Đức Giêsu. Thực vậy vấn đề là giải thích chữ "việc làm gây đụng chạm nặng" trong điều luật mà theo ý của Rabbi Shammai, phải hiểu từ này ám chỉ một tình trạng "vô luân trầm trọng" mà thôi, như thái độ ngoại tình. Trong khi trường phái kém khắt khe hơn của Rabbi Hillel đã hiểu rộng hơn, như đã lỡ để mất một bữa ăn bị cháy khét (Mischna Gittin IX 10).
Qua thí dụ này, chúng ta có thể kết luận rằng: "Tất cả những gì hợp pháp, không hẳn là hợp luân lý". Người Kitô hữu sống trong một thế giới đa dạng. Họ phải đủ sức chịu động để sống theo lương tâm của mình, dù điều đó có thể đưa tới một thái độ anh hùng theo Tin Mừng nào đó, đi ngược lại đa số. Nhưng nói cho cùng, đa số những đòi hỏi của Tin Mừng không yêu cầu chúng ta làm như thế cả sao? Thái độ bất bạo động không phải là một sự điên rồ sao? Tha thứ vô điều kiện, không phải là một lệch lạc sao? Tự nguyện sống nghèo không phải là một điều không tưởng sao? Chính trong bối cảnh ly dị trở thành hợp pháp như thế, mà Đức Kitô sắp bày tỏ lập trường đối với thời đại của mình.
Đức Giêsu nói với họ: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn ấy”.
Lần này, đáng lẽ Người ta không nên dịch từ Hy Lạp “Sclérocardia" mà nên chuyển từ này sang tiếng Pháp thì mọi người sẽ hiểu: "Vì chứng bệnh "xơ cứng tim" của các người, mà Môsê đã cho phép ly dị". Đây là một chứng bệnh tim rất phổ biến, sự chai cứng của quả tim, sự cứng lòng. Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết thực sự yêu thương Người kia (người phối ngẫu). Có một áp lực xã hội rất mạnh (hãy làm như mọi người). Ngày nay cũng như thời xưa, thúc đẩy chúng ta chỉ cần những mối "tương quan lực lượng". Thí dụ; Thống kê chứng minh rằng ba phần tư những trường hợp ly dị trong năm năm đầu của cuộc hôn nhân xảy ra đối với những đôi vợ chồng đã ăn ở với nhau trước khi cưới. Khước từ "hôn nhân", khước từ "những tiêu chuẩn xã hội", không phải là bằng chứng của sự trưởng thành! Sống chung, ăn ở với nhau mà không làm đám cưới, thực ra điều đó có nghĩa gì? 'Không phải đó là giữ cảm tình ở một mức thiếu niên, và làm cho nó không vượt khỏi trình độ sơ đẳng sao? Không phải đó là giữ một lối thoát. Khước từ dấn thân thể sự, không "tự trao hiến" có nguy cơ cứ ở mãi trong tương quan thống trị giữa hai Người phối ngẫu sao? Tôi luôn phải làm chủ! Tôi phải tỏ ra tự do!
Coi chừng bệnh "chai tim" của bạn đó, Đức Giêsu đã cảnh giác như thế. Có cái gì đang núp ẩn dưới vẻ thân mật tự chủ, tự do? Tình yêu cho người kia, hay là tình yêu của tình bạn?
Còn thuở ban đầu, lúc tạo thành vạn vật, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ.
Luật căn bản của lứa đôi cần phải kiếm tìm, luôn nằm trong lĩnh vực đó: Sự bổ túc của hai phái tính là một "sáng tạo", một "Thánh ý" của Thiên Chúa, được ghi khắc trong bản chất thâm sâu của người nam và người nữ.
Một lần nữa, Đức Giêsu không diễn tả bằng những từ luân lý được phép và bị cấm dù trên thực tế những điều này dẫn đến những thái độ rõ ràng. Người đưa ra một lý tưởng. Chúng ta không thể coi việc áp dụng luật là đủ. Đối với Đức Giêsu, cần phải có chiêm ngưỡng "dự án của Chúa về người nam và người nữ".
Trước những quan điểm xã hội, những luồng tư tưởng khác nhau, những chủ trương "làm như mọi người", chúng ta quan niệm thế nào về tình yêu hôn nhân? Có phải quan niệm như một minh tinh điện ảnh nào đó? Như trong một bài hát nào đó trên máy thu thanh, dành cho những người bình dân? Đức Giêsu nói… Hãy coi chừng! Trước tất cả những điều này, Thiên Chúa đã có một quan niệm về tình yêu và đã diễn tả quan niệm này trong sự sáng tạo của Người.
Vì thế người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.
Như vậy, Đức Giêsu đã tham chiếu bản văn sách Sáng Thế mà chúng ta đọc trong bài đọc một hôm nay. Chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết những kỳ diệu trong lời khẳng định phi thường của Sách Thánh: "Chúng ta hãy tạo con người theo hình ảnh của chúng ta, theo họa ảnh của chúng ta". Và Thiên Chúa đã tạo con người theo hình ảnh của Người, theo hình của Thiên Chúa, Người đã tạo ra con người nam và nữ (St 1,26-27). Không phải tình cờ mà bản văn Kinh thánh đã chuyển từ số ít ra số nhiều. Thiên Chúa là một trong ba ngôi, đã tạo nhân loại theo hình ảnh của Người, "nhiều” mà chỉ là “một". Từ nhiều người, khác nhau sâu xa, làm nên một. Đó là nguồn gốc của sự hiệp nhất trên thế gian, ngay từ lúc đầu cuộc sáng tạo.
Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con vinh quang của Chúa. Chúa đã tạo người nam và người nữ theo hình ảnh của Chúa. Oi, một giao ước mầu nhiệm thay! Lạy Chúa, là tình yêu chia sẻ, xin cho dân của Người nghị lực yêu thương.
Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.
Chỉ có Thiên Chúa sống động trong ta, mới có thể làm được những gì mà chúng ta coi như bất lực. Bí tích hôn phối đúng là một hồng ân, một quà tặng nhưng không, để chữa bệnh con người không biết yêu thương như Thiên Chúa của giao ước hằng thương yêu. Sự bất khả phân ly của hôn nhân như Đức Giêsu đã tuyên bố, đi ngược lại chuẩn mực thông thường của chúng ta, không thể trở nên dịp cho chúng ta xét đoán hay lên án những gia đình gặp khó khăn: Chúa Kitô không kêu gọi chúng ta làm việc đó! Sự bất khả phân ly là lời thề hứa sâu sắc nhất của tình yêu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cảm tạ Chúa đã nói lại điều đó cho chúng con, dù đó là điều khó sống theo, nhưng nhờ sự thương khó và thập giá Chúa, xin cứu giúp tình yêu chúng con. Xin làm cho chúng con biết yêu thương như Chúa.
Ai rẫy vợ mà lấy người khác, là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình, và ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình.
Sự đối xứng hoàn hảo của hai kiểu nói song hành này, rất có ý nghĩa.
Đối với Đức Giêsu, sự hổ tướng cần trọn vẹn: Người nam và Người nữ đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Trong thế giới mà các tương quan thống trị đang thắng thế như hiện nay, Đức Giêsu yêu cầu chúng ta phải biết yêu thương người phối ngẫu. Và Người cho chúng ta "sức mạnh" để yêu thương như thế, dù có gặp khó khăn.
Sự hiệp nhất đời sống lứa đôi là do Chúa muốn, không phải chỉ từ "lúc đầu”, không phải "một thiên đường đã mất" trong quá khứ. Đây là đường đi hằng ngày mà nơi đó "Thiên đàng
đã tìm lại" đang xây dựng, nơi cuối cùng chúng ta sẽ trở nên hình ảnh của Thiên Chúa "Ba" mà là "Một".
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
"Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân rẽ"
BÀI TIN MỪNG: Mc 10, 2-16
1. Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu xác thực lại luật vĩnh hôn của hôn nhân và chỉ vẽ các thế để vào Nước Trời.
2. SUY NIỆM:
1/ "Người ta có được phép ly dị vợ mình không":
Những người Biệt phái luôn theo sát Chúa mà tìm mọi cơ hội để bắt bẻ Chúa. Ở đây những người Biệt phái đặt câu hỏi về việc ly dị để gài bẫy Chúa.
* Nếu trả lời không được phép ly dị thì Chúa Giêsu sẽ bị kết án là người đi ngược với Môsê vì Môsê (Mt 24, 1) cho phép người ta, khi người vợ làm điều ô nhục, viết tờ ly hôn cùng với hai người làm chứng để ly dị vợ mình, đồng thời cũng gây mâu thuẫn với vua Antipas vì ông này đã ly dị vợ chính thức để cưới lấy Hêrôđia vợ của anh mình.
* Nếu trả lời được phép ly dị thì Chúa Giêsu sẽ bị gán cho là người theo môn phái tự do, lãng mạn, cho bất cứ lý do gì cũng là cớ ô nhục để ly dị và như vậy là phá vỡ trương trình ban đầu của Thiên Chúa.
2/ "Chúa Giêsu trả lời: chính vì sự cứng lòng của các ông mà Môisen đã viết ra điều luật đó":
Chúa muốn nêu ra tính tạm thời của luật Môisen: sở dĩ Môisen quy định việc ly dị như thế là vì sự bướng bỉnh cứng đầu, thiếu quảng đại của dân Do thái, khiến không thể quy định theo ý muốn của Thiên Chúa được, trong lúc chưa thể làm khác, thì ông phải cho phép làm thủ tục ly dị như vậy đó thôi.
Để kiện toàn lề luật trong lĩnh vực này, Chúa Giêsu đã trưng dẫn hai câu Kinh Thánh nói về sự đơn hôn và vĩnh hôn của hôn nhân:
+ "Những lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ " (St 1, 27).
Trưng dẫn câu Kinh Thánh này Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến tính cách đơn hôn của hôn nhân (một vợ một chồng) vì Thiên Chúa đã sáng tạo con người một nam một nữ và cũng thừa nhận sự bình đẳng giữa người nam và người nữ.
+ "Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình và hai người sẽ nên một huyết nhục " (St 2, 24).
ý định của Thiên Chúa là sáng tạo một người nam và một người nữ, nhưng việc kết hợp với nhau để trở thành một huyết nhục là khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ. Hiệu quả của khế ước này là sự trở nên làm một với nhau. Điều này chứng tỏ việc ly dị là phủ nhận khế ước tình yêu giữa nam và nữ, đồng thời cũng nói lên sự mất phục tùng ý định của Thiên Chúa.
+ "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân rẽ":
Ly dị là bất trung với khế ước tình yêu giữa người nam và người nữ đồng thời cũng là việc bất tuân ý định của Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo một người nam và một người nữ. Ở đây Chúa muốn nói lên sự vĩnh hôn của hôn nhân. Vì thế, Chúa muốn xác định không được phép ly dị.
Ở đây cần lưu ý: thánh Mt có thêm câu: " Trừ nố gian dâm " (Mt 19, 7-9). Câu này có ý áp dụng cho những trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, trái luật Thiên Chúa. Còn trường hợp hôn nhân hợp pháp thì Giáo Hội có thể cho phép một ít trường hợp thật cần thiết được ly thân nghĩa là sống riêng rẽ mỗi người một nơi nhưng không bên nào được tái giá khi bên kia còn sống. (Gl Cg 1649).
3/ "Ai bỏ vợ mình mà lấy vợ khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước":
Về đến nhà, các tông đồ xin Chúa giải thích thêm về luật hôn nhân, Chúa Giêsu giải thích cách rõ ràng về tội ngoại tình trong hôn nhân. Theo luật Chúa thì hôn nhân phải là đơn hôn và vĩnh hôn. Vì thế đối với Thiên Chúa thì những tờ ly dị không có giá trị gì, nên ai bỏ vợ để lấy người khác thì phạm tội ngoại tình, và ai lấy người vợ bị bỏ thì cũng phạm tội ngoại tình nữa.
4/ "Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay lên chúng":
Đây là một phong tục phổ thông nơi người Do thái. Trẻ nhỏ là hình ảnh của những kẻ bé mọn, yếu đuối, cần được che chở, bảo vệ. Ở đây diễn tả Chúa Giêsu là nơi nương tựa là chốn cậy trông, là nơi cứu giúp những trẻ bé mọn.
* "Nhưng các tông đồ khiển trách họ": Các tông đồ khiển trách vì một đàng các ngài cũng có những thái độ khinh thường, vô tình cả như những người thời xưa, kể cả người Do thái, đối với trẻ nhỏ, đàng khác các ngài thấy Chúa đã mệt mỏi nên không muốn cho chúng đến quấy rầy Chúa. Ở đây diễn tả thái độ của những kẻ kiêu căng, thiếu lòng nhân từ, quảng đại đối với những người yếu đuối, hèn mọn.
5/ "Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cấm chúng":
Đây là thái độ nhân hậu từ bi thương xót mà Chúa muốn bày tỏ ý định của Người là không loại bỏ khỏi Nước Trời, tức là cộng đoàn Giáo Hội, những kẻ mà người Do thái giáo loại bỏ xưa nay.
* "Vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng": vì thấy thái độ cố chấp, cứng lòng của người Do thái, nhất là bọn Biệt phái, về vấn đề ly dị trong hôn nhân, nên Chúa Giêsu đã dựa vào sự việc cụ thể của những trẻ nhỏ để giải thích và chỉ vẽ cách thức vào Nước Trời. Ở đây Chúa muốn so sánh những người vào Nước Trời với thân phận của trẻ nhỏ giữa người lớn.
6/ "Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó":
- Ở đây muốn nói: Nước Thiên Chúa là một hồng ân nhưng không chỉ ban cho những ai sẵn sàng chờ đợi và đón nhận như một trẻ thơ.
- Chúa muốn chỉ vẽ con đường vào Nước Trời là con đường trẻ thơ, ở đây Chúa không có ý đặt trẻ nhỏ như một mẫu mực, những người có ý so sánh thân phân của trẻ thơ đối với cha mẹ thế nào thì thân phận của những kẻ muốn vào Nước Trời đối với Thiên Chúa cũng phải như vậy.
Thánh nữ Têrêsa: "Kẻ bé nhỏ là kẻ nhìn nhận sự hèn kém của mình và trông cậy mọi sự nơi Thiên Chúa như đứa trẻ thơ trông đợi mọi sự nơi cha mình vậy. Nó không sợ hãi, không lo làm giàu, không ngã lòng vì những lỗi lầm của nó, và trẻ thơ quá bé nhỏ, có ngã cũng không đến lỗi quá nặng ".
7/ "Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng":
Cử chỉ này của Chúa Giêsu đi ngược với thói quen của người Do thái khinh thường trẻ thơ, nhưng ở đây muốn nói lên rằng những kẻ mà người Do thái loại bỏ thì Chúa Giêsu lại đón nhận. Người đón tất cả những ai biết chờ đợi sứ điệp của Người một cách đơn sơ, không thành kiến và không cố chấp.
Hình ảnh của các trẻ thơ đi liền với đoạn giáo huấn về hôn nhân đã nói lên mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với tương quan vợ chồng và con các trong đời sống vợ chồng.
III. ÁP DỤNG:
A/ dụng theo Tin Mừng:
Qua bài Tin Mừng hôm nay Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta: khi tuân giữ giới luật của Chúa hay của Giáo Hội thì phải tuân phục ý định của Thiên Chúa hay của Giáo Hội chứ không được tuân theo tâm tư và nguyện vọng riêng của mình, đồng thời cũng dạy chúng ta muốn được ơn cứu rỗi đời đời thì phải có lòng khiêm nhường biết nhìn nhận sự hèn kém của mình để lệ thuộc vào Chúa trong niềm tin, cậy, mến Chúa.
B/ Áp dụng thực hành:
1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:
a/ Xem việc Người làm:
*Chúa bình tĩnh và nhân từ đối với những người Biệt phái có ác ý đến với Người. Chúng ta noi gương Chúa biết giữ bình tĩnh và tỏ ra nhân từ dịu dàng đối với những ai xem ra không có bụng tốt đối với mình. Vì chính thái độ nhân từ sẽ cải hóa họ.
*Chúa Giêsu đã dùng Kinh Thánh để giải thích luật Chúa cho Biệt phái. Chúng ta cũng phải biết dùng Lời Chúa, dùng tinh thần của Lời Chúa qua những chứng tích của đời sống để làm chứng cho Chúa, cho Giáo Hội, cho Nước Trời...
b/ Nghe lời Người nói:
+ "Chính vì sự cứng lòng của các ông ": chính vì sự cứng lòng yếu đuối, muốn duy trì ý riêng nên đôi khi chúng ta cũng lỏng lẻo trong việc tuân giữ giới luật Chúa, luật Giáo Hội, luật riêng...
+ "Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy ": chúng ta muốn đến với Chúa để được phù giúp, che chở, nâng đỡ, săn sóc... chúng ta phải có tinh thần trong sạch, đơn sơ khiêm nhường và vâng phục đối với Chúa.
2/ Nhìn vào những người Biệt phái:
Vì ghen ghét Chúa những người Biệt phái đã lợi dụng mọi cơ hội để ám chỉ Chúa. Chúng ta rút kinh nghiệm đừng để lòng ghen ghét ai kẻo sinh ra những điều xấu tai hại cho chúng ta và cho tha nhân.
3/ nhìn vào các tông đồ:
Các tông đồ đã biết hỏi Chúa để được giải thích thêm về điều mình chưa hiểu. Chúng ta cũng phải biết thao thức tìm hiểu thêm về Chúa, về những giáo lý của Người.
4/ Nhìn vào những người đưa trẻ nhỏ đến với Chúa:
Chúng ta biết dẫn dắt những kẻ yếu đuối, tội lỗi đến với Chúa để được ơn tha thứ.
5/ Đối với trẻ thơ tức là những kẻ hèn yếu:
Các nhìn của Chúa khác với các nhìn của các tông đồ. Chúng ta nhìn theo ai?